Dinh dưỡng của người mẹ trong thời kỳ mang thai có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của cả thai nhi và sức khỏe của người mẹ.
Đối với sự phát triển của thai nhi:
Chế độ dinh dưỡng của người mẹ trong thời gian mang thai có liên quan rõ rệt nhất đến cân nặng của trẻ khi sinh, một số dị tật bẩm sinh, sự phát triển trí tuệ và một số bệnh mạn tính không lây nhiễm của trẻ khi trưởng thành.
Đối với sức khỏe của người mẹ:
Dinh dưỡng tốt trong thai kỳ giúp người mẹ tăng cân phù hợp, góp phần hạn chế một số tai biến sản khoa, tăng khả năng tạo sữa sau sinh, giảm nguy cơ mắc một số bệnh cho mẹ và một số vấn đề thường gặp khi mang thai như buồn nôn, táo bón, chuột rút, …Trong thời gian cho con bú, dinh dưỡng của mẹ đóng vai trò giúp sản xuất đủ sữa cho con bú và đảm bảo sức khỏe cho chính người mẹ để hồi phục cơ thể sau sinh, nuôi con và tiếp tục làm việc.
Vì vậy, để có thai kỳ trọn vẹn, đủ dưỡng chất cho cả mẹ và bé, việc lên kế hoạch bổ sung dinh dưỡng cho các giai đoạn trước khi mang thai, đang mang thai và cho con bú là vô cùng cần thiết. Các loại dưỡng chất thiết yếu cần bổ sung trong giai đoạn này gồm: nhóm các chất dinh dưỡng đa (protein, lipid, glucid); nhóm các vi chất dinh dưỡng (chất khoáng và vitamin); nước cùng với 3 chất điện giải chính (natri, kali và clo). Nhu cầu về các dưỡng chất trên nhìn chung sẽ tăng khi bước vào giai đoạn chuẩn bị mang thai, đang mang thai và cho con bú nên việc bổ sung đầy đủ các dưỡng chất trên là cần thiết. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn thì nhu cầu một số loại dưỡng chất cụ thể sẽ tăng nhiều hơn và đòi hỏi được chú ý bổ sung hơn. Chẳng hạn, chuẩn bị mang thai cần đặc biệt lưu ý bổ sung folat, sắt (duy trì cho đến ít nhất 1 tháng sau sinh). Trong thai kỳ, từ giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ thì cần đặc biệt lưu ý bổ sung thêm canxi, kẽm; giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ thì bên cạnh tăng nhu cầu canxi thì cần lưu ý thêm chất đạm (protein), chất béo (lipid). Giai đoạn cho con bú thì cần đặc biệt lưu ý bổ sung canxi, chất béo, nước.
Vai trò cụ thể của các loại dưỡng chất thiết yếu trong giai đoạn mang thai và cho con bú như sau:
Protein (đạm): thành phần cơ bản của vật chất sống, tham gia cấu tạo nên tế bào, hormon, enzym (men), sản xuất kháng thể, … Đây là dưỡng chất giúp xây dựng và phát triển thai nhi.
Lipid (chất béo): tham gia vào quá trình hình thành, phát triển não của thai nhi và bảo đảm chất lượng của sữa mẹ.
Glucid (chất bột): nguồn cung cấp năng lượng chính, tạo hình và điều hòa hoạt động của cơ thể.
Chất xơ: không có giá trị dinh dưỡng nhưng được coi là một thực phẩm chức năng, có tác dụng giảm táo bón, làm nhẹ các dấu hiệu nghén, hấp thụ một số chất có hại cho sức khỏe.
Canxi: cần thiết cho các quá trình chuyển hóa trong cơ thể, tạo xương cho thai nhi và cung cấp canxi trong bài tiết sữa mẹ.
Sắt: tạo huyết sắc tố (máu), vận chuyển O2 và CO2, thành phần của các men oxy khử.
Kẽm: tham gia sản xuất insulin (giúp điều hòa đường huyết) và enzym, hình thành các tổ chức và giúp cơ thể chuyển hóa năng lượng.
Iod: là thành phần thiết yếu của hormon tuyến giáp, thiếu iod ảnh hưởng rõ rệt đến tăng trưởng, phát triển não bộ. Tuy nhiên, người mẹ bổ sung quá nhiều iốt có thể gây bướu cổ thai nhi.
Vitamin A: bảo vệ mắt, tăng đề kháng, tạo xương cho trẻ giúp trẻ có chiều cao tối đa theo tiềm năng.
Vitamin D: giúp cơ thể sử dụng tốt canxi, phospho để tạo và duy trì xương, răng vững chắc, thiếu vitamin D thai kỳ dễ gây hậu quả như trẻ còi xương ngay trong bụng mẹ.
Vitamin E: chống oxy hóa, giúp phòng chống ung thư, đục thủy tinh thể, giúp phát triển và sinh sản.
Vitamin K: tham gia vào quá trình đông máu, thiếu vitamin K gây xuất huyết ở trẻ nhỏ.
Vitamin B1 (thiamin): tham gia chuyển hóa glucid và năng lượng.
Vitamin B2 (riboflavin): tham gia chuyển hóa thức ăn thành năng lượng, cần thiết cho mắt, da, móng tay, tóc.
Vitamin B6 (pyridoxyl): tạo nhiều loại enzym tham gia vào sự chuyển hóa amino acid, glycogen; nhu cầu tăng khi ăn nhiều protein.
Vitamin B9 (folat): tham gia vào quá trình phát triển và phân chia tất cả các loại tế bào.
Vitamin B12: tạo năng lượng, phát triển hệ thần kinh, hỗ trợ hình thành cơ thể.
Vitamin C: tạo collagen, protein cho cơ thể; là chất chống oxy hóa bảo vệ cơ thể, chống nhiễm khuẩn.
Cholin: tạo cấu trúc toàn vẹn cho màng tế bào, dẫn truyền thần kinh; nếu không có cholin thì tế bào cơ thể sẽ chết.
ThS.BSCK2. Nguyễn Chí Thành
Tài liệu tham khảo:
- Hướng dẫn quốc gia về dinh dưỡng cho Phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú (Quyết định số 776/QĐ-BYT ngày 8/3/2017 của Bộ Y tế)
- Nutrition in pregnancy: Dietary requirements and supplements – UpToDate. Accessed: Mar. 29, 2024.
- Maternal nutrition during lactation – UpToDate. Accessed: Mar. 29, 2024.