Dinh dưỡng đúng cách để “vào con không vào mẹ”

Dưới đây là một số quan niệm sai lầm trong chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu thường mắc phải trong quá trình mang thai:

Ăn cho hai người

Quan niệm ăn cho hai người là khá phổ biến ở nhiều phụ nữ mang thai. Với cách nghĩ này, các mẹ bầu thường cố gắng ăn nhiều món ngon, bổ dưỡng để em bé to khỏe và cho rằng em bé sau sinh to khỏe sẽ ít ốm vặt, dễ nuôi.

Tuy nhiên, việc cung cấp năng lượng vượt quá nhu cầu kéo dài sẽ dẫn đến tích lũy năng lượng thừa dưới dạng mỡ, mẹ bầu tăng cân quá mức dẫn đến nguy cơ đái tháo đường thai nghén và trẻ sinh ra nặng cân hơn bình thường. Thai nhi có cân nặng quá lớn khiến cả mẹ và con đối diện với việc tăng nguy cơ xảy ra tai biến khi sinh. Không những vậy, bản thân trẻ sinh ra có cân nặng “vượt chuẩn” dễ gặp phải các vấn đề về hô hấp, hạ đường huyết và cả quá trình phát triển về sau cũng dễ mắc phải tình trạng béo phì, hội chứng chuyển hóa.

Bổ sung canxi càng nhiều càng tốt

Canxi là một chất khoáng rất quan trọng cần cho quá trình phát triển xương của trẻ trong giai đoạn bào thai và tuổi nhỏ. Trong quá trình phát triển, thai nhi thường sử dụng canxi từ người mẹ để tạo xương cho sự lớn lên nên nếu nhu cầu canxi của mẹ bầu không được đáp ứng đủ thì sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao của trẻ và tăng nguy cơ loãng xương của người mẹ sau này.

Mặc dù vậy, nếu mẹ bầu bổ sung canxi với quan niệm “canxi càng nhiều con sẽ càng cao, xương mẹ càng khỏe” thì sẽ dẫn đến lợi bất cập hại cho cả mẹ và con. Cụ thể, thừa canxi sẽ làm cho mẹ bầu táo bón, chán ăn, mệt mỏi, khô miệng, đau đầu, tăng dấu hiệu khát, nguy cơ sỏi thận; trường hợp nặng có thể khiến vôi hóa bánh nhau quá mức so với tuổi thai sẽ làm giảm trao đổi chất giữa mẹ và thai nhi khiến thai kém phát triển. Thai nhi thừa canxi có thể bị tăng canxi máu, sau sinh thóp sẽ bị đóng sớm, xương hàm có thể bị biến dạng.

Nhịn ăn khi ốm nghén

Quan niệm mẹ bầu ốm nghén nên tạm thời nhịn ăn hoặc chỉ uống nước để không bị ói gây mất sức cho mẹ, thậm chí động thai là hoàn toàn sai lầm. Nếu năng lượng cung cấp không đủ trong một thời gian dài, mẹ bầu dễ bị thiếu năng lượng trường diễn, trẻ dễ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng bào thai.

Trường hợp ốm nghén nặng, mẹ bầu cần tham vấn lời khuyên từ chuyên gia y tế để có cách thức, giải pháp bổ sung dinh dưỡng phù hợp cho giai đoạn này.

Thỉnh thoảng uống một ít rượu bia, nhất là rượu nhẹ thì không sao

Rượu bia (thức uống chứa cồn nói chung) cực kỳ có hại đối với phụ nữ mang thai: làm tăng nguy cơ sảy thai, thai nhẹ cân, thai bị dị tật bẩm sinh và có thể gây hội chứng nhiễm độc rượu bào thai (Fetal alcohol spectrum disorders – FASD) – một loạt các di chứng bất thường về thể chất và nhận thức ở trẻ do tiếp xúc với rượu trước khi sinh.

Hiện tại, ngưỡng an toàn của việc tiêu thụ rượu bia khi mang thai vẫn chưa được xác định. Hầu hết các Hiệp hội Y tế đều thống nhất tuyệt đối không sử dụng rượu khi mang thai, dù là thỉnh thoảng lượng ít hay độ cồn nhẹ, bởi lẽ rượu từ cơ thể mẹ dễ dàng đi qua nhau thai đến bào thai. Quá trình đào thải cồn khỏi bào thai chỉ bằng 3-4% so với người mẹ. Phần lớn lượng cồn do thai nhi đào thải lại vào nước ối, tiếp tục được bào thai hấp thu lại thông qua quá trình thai nhi nuốt nước ối và hấp thu vào màng ối.

Chế độ ăn của mẹ bầu trong từng giai đoạn của thai kỳ

Chế độ ăn của mẹ bầu cần phù hợp với nhu cầu khuyến nghị năng lượng trong từng giai đoạn của thai kỳ. Trước khi mang thai, nhu cầu khuyến nghị năng lượng dao động từ 1.730-2.050 kcal/ngày (tùy độ tuổi, mức độ hoạt động thể lực). Khi mang thai, nhu cầu năng lượng cần tăng thêm lần lượt 50 kcal/ngày, 250 kcal/ngày, 450 kcal/ngày ở 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ.

Giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ là giai đoạn hình thành nên các cơ quan, tổ chức của thai nhi nên chế độ ăn của mẹ bầu cần ưu tiên bổ sung chất đạm (protein), sắt và acid folic hoặc đa vi chất.

Giai đoạn 3 tháng giữa của thai kỳ là giai đoạn thai phát triển nhanh, đặc biệt đây là khung xương, chiều cao của trẻ nên người mẹ cần tăng cường lưu ý việc bổ sung canxi, kẽm bên cạnh sắt/acid folic hoặc đa vi chất.

Giai đoạn 3 tháng cuối của thai kỳ là giai đoạn tốc độ phát triển cân nặng của thai nhi nhanh nhất nên bên cạnh việc duy trì bổ sung đủ canxi, sắt, acid folic hoặc đa vi chất thì cần lưu ý thêm chất đạm (protein), chất béo (lipid).

Ăn gì để vào con không vào mẹ? Nguyên tắc cần nhớ!!!

Để dinh dưỡng “vào con không vào mẹ” thì nguyên tắc mẹ bầu cần lưu ý là:

  • Xác định mức tăng cân phù hợp.
  • Theo dõi cân nặng để đạt được mức tăng cân mục tiêu theo từng giai đoạn thai kỳ.
  • Bất kỳ loại thức ăn nào cũng chứa đồng thời nhiều thành phần dinh dưỡng. Vì vậy, ở mỗi giai đoạn thai kỳ, tùy theo thành phần dinh dưỡng nào có nhu cầu cao cần cho sự phát triển của thai nhi thì nên ưu tiên lựa chọn loại thực phẩm có thành phần dinh dưỡng đó chiếm ưu thế.
  • Thực hiện một số biện pháp để hỗ trợ vượt qua tình trạng thèm ăn mất kiểm soát để tránh tăng cân quá mức.

Mức tăng cân phù hợp: Tùy theo tình trạng dinh dưỡng (chỉ số khối cơ thể: BMI = kg/m2) trước khi có thai. Thông thường, nếu trước khi có thai người mẹ có tình trạng dinh dưỡng bình thường (BMI: 18,5-24,9) thì cả giai đoạn thai kỳ mẹ bầu nên tăng cân khoảng 10-12 kg.

Mức tăng cân mục tiêu theo từng giai đoạn thai kỳ: Để đạt được mức tăng cân 10-12 kg đề cập ở trên, mẹ bầu nên tăng cân lần lượt 1 kg, 4-5 kg, 5-6 kg ở 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ.

Loại thực phẩm ưu tiên lựa chọn cho từng giai đoạn thai kỳ:

  • Giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ: Ưu tiên lựa chọn thực phẩm giàu đạm như trứng, sữa, thịt, đậu đỗ. Ngoài việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng trong chế độ ăn, mẹ bầu cần uống bổ sung sắt và acid folic (thông thường là khoảng 60mg sắt và 400 mcg acid folic mỗi ngày) hoặc đa vi chất.
  • Giai đoạn 3 tháng giữa của thai kỳ: Chú ý ăn thực phẩm giàu canxi, kẽm như tôm, cua, trứng, sữa, thủy sản. Để đảm bảo cung cấp đủ canxi 1200 mg/ngày thì ngoài chế độ ăn thông thường cần bổ sung 6 đơn vị sữa/ngày (1 đơn vị sữa: 1 miếng phô mai 15g hoặc 100 g sữa chua hoặc 100 ml sữa dạng lỏng). Tiếp tục bổ sung sắt, acid folic hoặc đa vi chất.
  • Giai đoạn 3 tháng cuối của thai kỳ: Ngoài cơm (và lương thực khác) ăn đủ no, bữa ăn của mẹ bầu cần bổ sung thêm chất đạm, chất béo. Trước hết cần chú ý đến các nguồn chất đạm từ thức ăn sẵn có như trứng, cá, tôm, cua, thịt, đậu đỗ (đậu tương, đậu xanh, …), vừng, lạc. Đây là những thức ăn có hàm lượng đạm cao, lại có thêm lượng chất béo giúp tăng năng lượng bữa ăn và giúp hấp thu tốt các nguồn vitamin tan trong chất béo. Tiếp tục duy trì bổ sung 6 đơn vị sữa/ngày, sắt, acid folic hoặc đa vi chất.

 

Một số biện pháp để hỗ trợ để tránh tăng cân quá mức:

–       Ăn chậm nhai kỹ: Theo sinh lý, não bộ con người cần 10-20 phút mới nhận diện được cảm giác no ở dạ dày. Vì vậy, khi ăn quá nhanh, não chưa kịp nhận diện được cảm giác no nên có thể khiến mẹ bầu ăn nhiều hơn lượng thức ăn mà cơ thể thực sự cần.

–       Uống đủ nước: Nước có vai trò vô cùng quan trọng đối với cơ thể, đặc biệt khi mang thai cơ thể mẹ bầu cần thêm nước tăng cường sản xuất thêm máu và nước ối. Ngoài ra, đối với mẹ bầu hay gặp tình trạng thèm ăn vặt, dễ bị ăn quá lượng cần thiết thì việc uống đủ nước sẽ giúp hạn chế cảm giác đói.

–       Chia nhỏ bữa ăn: Việc chia nhỏ bữa ăn và rải đều trong ngày giúp duy trì cảm giác no và kiểm soát cảm giác đói. Khi ăn những bữa nhỏ thường xuyên, mẹ bầu sẽ giảm tình trạng cảm thấy đói quá lâu và không có xu hướng ăn quá nhiều ở mỗi bữa.

–       Ăn bữa sáng đủ chất: Có thể nói bữa sáng đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi, là nguồn cung cấp năng lượng để cơ thể và nhất là não bộ hoạt động tốt hơn. Nếu mẹ bầu không ăn sáng đầy đủ, bỏ bữa hoặc trì hoãn bữa sáng thì cơ thể sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, mất tập trung, phản ứng chậm vì thiếu lượng đường trong máu và khi đó, cơ thể dễ rơi vào tình trạng “quá đói” sẽ khiến mẹ bầu tăng cường cảm giác thèm ăn và dễ rơi vào tình trạng ăn “bù”, mất kiểm soát về lượng. Ngoài ra, đã có nhiều nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa tình trạng ăn uống không đều đặn (trong đó tập trung nhiều là bữa sáng) có liên quan đến các bệnh lý về chuyển hóa và tim mạch.

–       Duy trì thói quen tập luyện các bộ môn thể dục nhẹ nhàng như đi bộ hoặc yoga, … vì sẽ giúp cơ thể người mẹ giải phóng ra hormon giảm căng thẳng, từ đó ức chế sự tạo cortisol-hormon làm tăng cảm giác thèm ăn, nhờ đó sẽ hỗ trợ mẹ bầu kiểm soát cân nặng tốt hơn.

Các loại thực phẩm cần tránh:

Cá có hàm lượng thủy ngân cao: Thủy ngân là kim loại nặng, có ảnh hưởng bất lợi lên sự phát triển não bộ của thai nhi. Vì vậy, tránh ăn các loại cá có thể chứa hàm lượng thủy ngân cao, như: cá kiếm, cá mập, cá thu vua, cá ngừ mắt to, …

Rượu, bia: Tránh uống rượu, bia hoàn toàn. Ngay cả một lượng nhỏ rượu, bia cũng có thể gây hại cho thai nhi.

Caffein: Caffein có ảnh hưởng bất lợi lên nhịp tim, hô hấp, lưu lượng máu của thai nhi. Khuyến cáo mẹ bầu hạn chế tiêu thụ caffein ở mức dưới 200-300 mg/ngày. Caffein có nhiều trong các thực phẩm và đồ uống như cà phê, trà, coca-cola, nước tăng lực, socola, …

Đồ uống có đường: Tránh hoặc hạn chế đồ uống có nhiều đường, chẳng hạn như soda và đồ uống bổ sung đường, điện giải thường dùng khi chơi thể thao.

Một số loại trái cây, nước ép, rau quả chứa hàm lượng cao thành phần không tốt cho thai nhi nếu dùng với lượng nhiều hoặc chế biến không đúng cách:

–       Dứa: Dứa có chứa nhiều bromelin, một loại enzyme phân hủy protein, có thể làm mềm cổ tử cung dẫn đến chuyển dạ sớm nên có thể gây sảy thai.

–       Đu đủ xanh: Đu đủ xanh có chứa nhiều papain, một loại enzyme phân hủy protein, có thể gây co thắt tử cung nên làm tăng nguy cơ sảy thai.

–       Măng tươi: Măng tươi có hàm lượng cyanid rất cao, dưới tác động của các enzym đường tiêu hóa, cyanid ngay lập tức biến thành acid cyanhydric, là một chất cực độc với cơ thể và gây ngộ độc. Cần ngâm măng đủ thời gian, luộc măng thật kỹ trước khi ăn để phòng tránh ngộ độc.

–       Rau ngót: Rau ngót có chứa một hàm lượng lớn chất papaverin, gây hiện tượng co thắt cơ trơn tử cung, khiến dễ sảy thai. Chính vì vậy thai phụ, đặc biệt là với những thai phụ có tiền sử sảy thai liên tiếp, đẻ non, thụ tinh trong ống nghiệm nên hạn chế ăn rau ngót đặc biệt là uống nước rau ngót sống, liều cao.

Giảm ăn các loại gia vị như ớt, hạt tiêu, tỏi.

Giảm ăn mặn, nhất là đối với mẹ bầu có phù, tăng huyết áp hoặc bị nhiễm độc thai nghén để tránh tai biến khi sinh.

Không nên sử dụng quá nhiều các loại đồ ăn vặt, đồ ăn nhanh như khoai tây chiên, kem, kẹo, bánh ngọt, bánh quy…, chỉ sử dụng các loại đồ ăn này ở tần suất thấp và đặc biệt không dùng nó thay thế cho bữa chính.

Các biện pháp tăng cường dinh dưỡng cho bé:

Bên cạnh thực hiện các biện pháp hỗ trợ để “ưu tiên chất dinh dưỡng được hấp thu vào con” đã đề cập ở trên: ăn chậm nhai kỹ, uống đủ nước, chia nhỏ bữa ăn, ăn bữa sáng đủ chất, duy trì thói quen tập luyện các bộ môn thể dục nhẹ nhàng như đi bộ hoặc yoga thì có thể thực hiện một số biện pháp để tăng cường dinh dưỡng cho bé như:

Bổ sung đa vi chất cho phụ nữ mang thai: Giai đoạn 1.000 ngày đầu đời kể từ khi người mẹ bắt đầu mang thai cho đến khi trẻ tròn 2 tuổi là thời điểm vàng quyết định sự phát triển tối ưu về thể chất và trí tuệ của trẻ nếu có chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, việc uống bổ sung viên đa vi chất cho phụ nữ mang thai từ khi bắt đầu có thai đến khi sinh là một giải pháp ngắn hạn quan trọng có thể giúp cải thiện được ngay tình trạng thiếu các vi chất dinh dưỡng.

Hạn chế làm việc quá nhiều hoặc stress do căng thẳng, lo âu, đặc biệt là những việc nặng trong quá trình mang thai vì sẽ khiến cơ thể mẹ tăng nhu cầu năng lượng nên sẽ cần tăng hấp thu chất dinh dưỡng từ thức ăn hằng ngày, điều này dễ làm giảm lượng dinh dưỡng cho thai nhi nếu mẹ bầu không tăng cường bổ sung dinh dưỡng phù hợp.

ThS.BSCK2. Nguyễn Chí Thành

Tài liệu tham khảo:

  1. Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế – Cục An toàn thực phẩm, chuyên đề “Ngộ độc măng”, truy cập ngày 15/04/2024.
  2. Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, chuyên đề “Bổ sung đa vi chất cho phụ nữ mang thai góp phần nâng cao chất lượng giống nòi”, truy cập ngày 15/04/2024.
  3. Cổng thông tin điện tử của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Sở Y tế Đà Nẵng, chuyên đề “Làm thế nào để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em”, truy cập ngày 15/04/2024.
  4. Đỗ Tất Lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, chuyên đề “Cây rau ngót” (trang 52-53), “Đu đủ” (trang 360), “Dứa” (trang 259-260).
  5. Hướng dẫn quốc gia về dinh dưỡng cho Phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú (Quyết định số 776/QĐ-BYT ngày 8/3/2017 của Bộ Y tế).
  6. S. X. Loo et al., ‘Maternal meal irregularities during pregnancy and lifestyle correlates’, Appetite, vol. 168, p. 105747, Jan. 2022, doi: 10.1016/j.appet.2021.105747.
  7. J. McKay, I. V. Belous, and J. L. Temple, ‘Increasing water intake influences hunger and food preference, but does not reliably suppress energy intake in adults’, Physiol Behav, vol. 194, pp. 15–22, Oct. 2018, doi: 10.1016/j.physbeh.2018.04.024.
  8. Alcohol intake and pregnancy – UpToDate. Accessed: Apr. 10, 2024.
  9. Caffeine: Effects on reproductive outcomes in females – UpToDate. Accessed: Apr. 15, 2024.
  10. Fetal macrosomia – UpToDate. Accessed: Apr. 10, 2024.
  11. Nutrition in pregnancy: Dietary requirements and supplements – UpToDate. Accessed: Mar. 29, 2024.
  12. Patient education: Nutrition before and during pregnancy (The Basics) – UpToDate. Accessed: Apr. 15, 2024.

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm nhiều tin tức