Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Vậy, làm cách nào để sữa mẹ dồi dào, chất lượng để có thể đủ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn?
Trước hết, chúng ta cần hiểu cơ bản về cơ chế tiết sữa mẹ:
- Sự tiết sữa được điều khiển và duy trì bởi 2 nội tiết tố chính là prolactin và oxytocin. Khi trẻ mút vú, xung động cảm giác-thần kinh từ tuyến vú lên não, kích thích tuyến yên tiết ra prolactin và oxytocin.
- Prolactin vào máu, đến tuyến vú kích thích các tế bào tiết ra sữa. Nồng độ prolactin trong máu đạt tối đa vào khoảng 30 phút sau bữa bú, giúp tạo sữa cho bữa bú sau. Bữa bú hiện tại là trẻ bú sữa đã được dự trữ sẵn trong vú.
- Oxytocin vào máu, đến tuyến vú làm co thắt các tế bào cơ trơn, tống sữa theo các ống dẫn đến các xoang sữa theo các mạch ra đầu núm vú.
- Trong sữa mẹ có một chất làm giảm hoặc ức chế sự tạo sữa, chất này sẽ tác dụng lên tế bào tiết sữa làm ngừng tiết sữa khi vú đầy sữa. Việc này bảo vệ vú tránh được những ảnh hưởng có hại do quá đầy sữa.
Như vậy, để tăng tiết sữa sau sinh cho mẹ thì sẽ thực hiện các giải pháp làm cho: (1) Mẹ có đủ “nguyên liệu” để tạo sữa: chất dinh dưỡng, nước; (2) Mẹ tăng tiết prolactin để tăng kích thích các tế bào tiết ra sữa; (3) Mẹ tăng tiết oxytocin để tăng kích thích phun sữa (tống sữa); (4) Thông thoáng các ống dẫn sữa để hoạt động phun sữa (tống sữa) tốt; (5) Giảm sự hoạt động của chất làm giảm/ức chế sự tạo sữa.
Một số giải pháp cụ thể làm tăng tiết sữa sau sinh cho mẹ:
- Đảm bảo dinh dưỡng cho bà mẹ cho con bú: Thông thường, nếu chế độ dinh dưỡng của mẹ trước và trong thai kỳ tốt, đạt mức tăng cân từ 9-12 kg thì chế độ ăn khi cho con bú cần đảm bảo năng lượng tăng thêm khoảng 500 kcal/ngày, thực phẩm cần đa dạng, dễ tiêu hóa, giàu chất dinh dưỡng đặc biệt là chất đạm. Khẩu phần cả ngày nên chia làm nhiều bữa trong ngày (3-6 bữa/ngày). Đặc biệt, mẹ phải uống đủ nước (khoảng 2,5-3 lít nước/ngày).
- Cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh và bú mẹ thường xuyên, đặc biệt vào ban đêm: kích thích mẹ tiết prolactin và oxytocin thông qua việc trẻ mút vú, đặc biệt prolactin bài tiết nhiều về đêm.
- Cho trẻ bú đúng cách: Điều này đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ, trẻ bú sai kỹ thuật không những làm mẹ đau, trẻ bú không đủ sữa nên quấy khóc, kéo dài thời gian bú mà khi vú ứ đọng sữa do không được bú hết sẽ làm giảm và ức chế sự tạo sữa. Bên cạnh đó, trẻ không bú đủ sữa do không bú đúng cách sẽ không tăng cân nhưng làm cho mẹ nghĩ là do mình không đủ sữa hoặc do sữa không đủ “chất lượng”. Chính tâm lý này sẽ ảnh hưởng xấu đến cả sự tiết sữa và phun sữa.
- Tạo điều kiện cho mẹ luôn ở bên cạnh con để nhìn thấy con, âu yếm, vuốt ve, nghe tiếng con khóc, trò chuyện với con; đặc biệt mẹ nên gần gũi, vui đùa với con trước khi con con bú vì những điều này giúp cho mẹ tăng tiết oxytocin.
- Làm trống bầu sữa sau khi cho con bú sẽ làm giảm sự hoạt động của chất làm giảm/ức chế sự tạo sữa, bằng cách: cho trẻ bú kiệt sữa hoặc vắt hết sữa ra để kích thích vú tiếp tục tạo sữa; nếu trẻ không thể bú được 1 vú hoặc cả 2 vú thì cần phải vắt sữa ra giúp kích thích vú tiếp tục tạo sữa.
- Thường xuyên mát xa ngực giúp mẹ tăng tiết prolactin và cả oxytocin. Ngoài ra, mát xa ngực còn giúp làm tan những cục sữa bị đông trong bầu ngực mẹ, giúp làm thông thoáng các ống dẫn sữa giúp phản xạ phun sữa tốt hơn.
- Củng cố niềm tin của mẹ về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ và luôn tin tưởng vào khả năng tạo sữa của mình, vì những cảm giác yên bình này sẽ hỗ trợ phản xạ oxytocin hoạt động tốt.
- Tạo cho mẹ luôn có được tâm lý thoải mái, tích cực, đặc biệt là ngủ đủ giấc trong thời gian nuôi con, vì sẽ giúp phản xạ oxytocin hoạt động tốt.
ThS.BSCK2. Nguyễn Chí Thành
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Y tế (2015), Nuôi dưỡng trẻ nhỏ (ban hành kèm theo Quyết định số 5063/QĐ-BYT ngày 5/12/2014 của Bộ Y tế).
- Trang thông tin điện tử của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Tiền Giang, truy cập ngày 28/4/2024.