“Khuyến khích và hỗ trợ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn” là một trong các nội dung hoạt động trong Chiến lược toàn cầu về Nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 100/2014/NĐ-CP, phần đầu của quảng cáo bất kỳ thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi nào, bao gồm sữa công thức, phải luôn có nội dung khẳng định “Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ”.
Các lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ như sau:
1. Giúp trẻ tăng trưởng, phát triển hài hòa và phòng chống suy dinh dưỡng
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, dễ tiêu hóa, hấp thu đối với trẻ. Trong sữa mẹ chứa đủ những chất dinh dưỡng cần thiết, có tỉ lệ thích hợp cho sự hấp thu của hệ tiêu hóa và phát triển của bé. Cụ thể:
– Protein (đạm): Về số lượng, sữa mẹ có số lượng protein ít hơn sữa động vật nên phù hợp với chức năng đào thải khi thận của trẻ chưa trưởng thành. Về chất lượng, trong khi protein trong sữa bò chủ yếu ở dạng casein (dễ tạo cục đông vón khi vào dạ dày của trẻ nhỏ gây khó tiêu hóa, khó hấp thu) thì protein trong sữa mẹ chủ yếu ở dạng lỏng hòa tan (protein sữa, Whey protein) nên phù hợp với khả năng tiêu hóa và hấp thu của trẻ; ngoài ra Whey protein có chứa các protein kháng khuẩn giúp trẻ có khả năng chống lại các bệnh nhiễm khuẩn.
– Lipid (chất béo): Thành phần acid béo không no trong sữa mẹ nhiều hơn acid béo no. Sữa mẹ có đủ các acid béo không no cần thiết, giúp cho quá trình hoàn thiện não bộ, võng mạc và làm vững bền mạch máu mà trong sữa động vật không có, như: acid oleic, acid α-linoleic, acid linoleic, tiền tố của DHA và ARA.
– Carbonhydrat (glucid và đường): Tỉ lệ carbonhydrat trong sữa mẹ nhiều hơn sữa bò, cung cấp năng lượng. Trong đó, 85% carbonhydrat trong sữa mẹ là lactose (giúp tăng cường hấp thu calci), 15% là oligosaccharid (hỗ trợ cho sự phát triển vi khuẩn có lợi cho trẻ).
Vi chất dinh dưỡng: Sữa mẹ có đủ các vitamin (A, B1, B2, C, …), khoáng chất (calci, phospho, …) và các nguyên tố vi lượng (sắt, kẽm, đồng, selen, …) đáp ứng đủ nhu cầu trẻ nhỏ, giúp trẻ phòng chống thiếu vi chất và bảo vệ cơ thể chống quá trình oxy hóa.
2. Bảo vệ trẻ chống nhiễm khuẩn
Sữa mẹ giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp, viêm tai, viêm màng não và nhiễm khuẩn tiết niệu vì có chứa các tế bào bạch cầu, globulin miễn dịch, một số yếu tố kích thích sự phát triển của vi khuẩn có lợi Lactobacillus bifidus.
Sữa mẹ còn chứa những kháng thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn mà bà mẹ đã từng mắc bệnh.
Bảo vệ trẻ chống lại bệnh nhiễm khuẩn mà mẹ đang mắc phải. Lý do là, khi mẹ bị nhiễm khuẩn, tế bào bạch cầu trong cơ thể mẹ sản xuất kháng thể để bảo vệ người mẹ, các kháng thể chống nhiễm khuẩn của mẹ được tiết vào sữa để bảo vệ trẻ; ngoài ra, một số tế bào bạch cầu đi tới vú và sản xuất kháng thể tại đó.
3. Giúp cải thiện tâm lý cho mẹ và trẻ
Khi cho bú, mẹ sẽ thường xuyên tiếp xúc, gần gũi con nên sẽ giúp gắn bó tình cảm mẹ và con, tạo điều kiện thuận lợi cho sự giáo dục trẻ về sau.
Người mẹ cảm thấy thoải mái tinh thần, yên tâm và giảm được sự lo âu, trầm cảm sau sinh.
Trẻ được tiếp xúc gần gũi mẹ, được âu yếm sẽ ít khóc hơn, cảm giác an toàn hơn, tinh thần, trí tuệ phát triển tốt hơn.
4. Góp phần bảo vệ sức khỏe người mẹ.
Giảm nguy cơ băng huyết, thiếu máu sau sinh: Khi con bú, cơ thể mẹ tiết ra oxytocin giúp tử cung co hồi tốt hơn, giúp giảm thiểu lượng máu mất trong thời kỳ hậu sản, chống thiếu máu cho mẹ và phòng tránh bế sản dịch sau sinh.
Chậm có thai và có kinh trở lại: Khi con bú, cơ thể mẹ tiết ra prolactin-có tác dụng ức chế rụng trứng, làm chậm có thai và có kinh trở lại. Lượng sắt mà mẹ dùng tạo sữa ít hơn so với lượng sắt mất đi do hành kinh nên cũng góp phần giúp hạn chế thiếu máu do thiếu sắt.
Giảm nguy cơ mắc ung thư và một số bệnh lý mạn tính: Ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung, bệnh tim mạch, đái tháo đường type 2. Đã có nhiều nghiên cứu lâm sàng chứng minh hiệu quả này.
Hồi phục nhanh cân nặng, vóc dáng ban đầu: Cho con bú đòi hỏi sự tiêu hao năng lượng khoảng 200-500 Kcal/ngày nên giúp mẹ trở lại cân nặng trước khi mang thai nhanh hơn.
5. Chi phí ít hơn so với nuôi con bằng sữa công thức
Dễ thấy nhất, việc nuôi con bằng sữa mẹ giúp gia đình tiết kiệm được chi phí mua sữa công thức. Ngoài ra, còn giúp giảm các chi phí gián tiếp liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh tật cho mẹ và trẻ sơ sinh nếu nuôi con bằng sữa mẹ.
Lợi ích sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh chuyển thành lợi ích kinh tế đáng kể cho xã hội thông qua: (1) giảm tỉ lệ mắc bệnh, tử vong ở bà mẹ và trẻ em; (2) giảm chi phí chăm sóc sức khỏe liên quan; (3) giảm tổn thất năng suất lao động cho xã hội do tử vong sớm; (4) cải thiện năng suất kinh tế thông qua tác động tích cực đến sự phát triển về nhận thức, thể chất của trẻ được bú mẹ.
6. Góp phần bảo vệ sức khỏe của trẻ trong quá trình trưởng thành
Sữa mẹ có các hormon tham gia điều chỉnh ăn uống và cân bằng năng lượng như Leptin, Ghrelin, IGF-1. Nhờ đó, sữa mẹ bảo vệ trẻ không tăng cân quá mức (thừa cân, béo phì) nhất là trong 2 năm đầu đời và giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khi trưởng thành (đái tháo đường, tim mạch, huyết áp, …).
ThS.BSCK2. Nguyễn Chí Thành
Tài liệu tham khảo:
- Nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 6/11/2014 của Chính phủ Quy định về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo.
- Bộ Y tế (2015), Nuôi dưỡng trẻ nhỏ (ban hành kèm theo Quyết định số 5063/QĐ-BYT ngày 5/12/2014 của Bộ Y tế).
- Infant benefits of breastfeeding – UpToDate. Accessed: Apr. 26, 2024.
- Maternal and economic benefits of breastfeeding – UpToDate. Accessed: Apr. 26, 2024.