Mối liên hệ đầu tiên giữa cá và sức khỏe con người xuất hiện sớm nhất là vào năm 1944 khi Sinclair chỉ ra rằng bệnh mạch vành ở người Eskimo-Greenland rất hiếm. Chế độ ăn của người Eskimo chứa một lượng lớn chất béo từ cá, hải cẩu, cá voi và đây những là nguồn chất béo rất giàu acid béo omega-3. Các nghiên cứu sau đó phát hiện ra rằng việc tiêu thụ các acid béo này không chỉ có lợi cho tim mạch mà còn giúp giảm ung thư, giảm cân, viêm khớp dạng thấp, loãng xương, tiểu đường và nhiều rối loạn cơ thể có hại khác.
Mối liên quan giữa dầu cá và omega-3:
Acid béo trong trong thức ăn được phân thành 2 nhóm chính: acid béo no, bão hòa (các nguyên tử carbon nối với nhau bằng liên kết đơn) và acid béo không no, không bão hòa (các nguyên tử carbon nối với nhau có ít nhất một liên kết đôi). Acid béo omega-3 thuộc nhóm acid béo không bão hòa, có liên kết đôi đầu tiên ở nguyên tử carbon số 3. Các loại acid béo omega-3 quan trọng nhất là ALA (alpha-linolenic acid), EPA (eicosapentaenoic acid) và DHA (docosahexaenoic acid).
Dầu cá có nguồn gốc từ mỡ của cá béo với thành phần giàu acid béo omega-3 loại EPA và DHA.
Tác dụng của dầu cá:
Dữ liệu các nghiên cứu cho đến hiện tại đã cho thấy nhiều tác dụng tiềm năng của acid béo omega-3 đối với hệ thống tim mạch và chuyển hóa của cơ thể. Đặc biệt, EPA và DHA trong omega-3 của dầu cá có thể giúp:
- Cải thiện tình trạng sức khỏe tim mạch: Đã có nghiên cứu chứng minh omega-3 có vai trò giữ cho nồng độ cholesterol trong máu thấp, chống loạn nhịp và làm giảm huyết áp. Nhiều thử nghiệm lâm sàng lớn đã chứng tỏ lợi ích của việc bổ sung acid béo omega-3 trong phòng ngừa thứ phát và tiên phát bệnh mạch vành.
- Cải thiện tình trạng viêm: viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, bệnh Raynaud và các bệnh lý tự miễn khác.
- Cải thiện chứng trầm cảm và các triệu chứng của các bệnh lý tâm thần khác: Não chứa lượng đáng kể các chất béo, 60% trọng lượng não là các chất béo và cần omega-3 để bảo đảm các chức năng hoạt động.
- Giúp ngăn ngừa và hỗ trợ chứng ung thư: Các acid béo trong omega-3 giúp duy trì các mô tế bào tuyến vú được khỏe mạnh và ngăn ngừa ung thư vú. Nghiên cứu gần đây cho thấy những đối tượng bổ sung dầu cá vào chế độ ăn thì ít sinh ra các chất gây ung thư đại tràng hơn so với nhóm không sử dụng dầu cá.
Liều dùng:
Các chế phẩm dầu cá hiện có trên thị trường rất khác nhau về độ tinh khiết và hàm lượng acid béo omega-3 (thường được biểu thị theo EPA và DHA).
Các nghiên cứu cho thấy ăn cá ít nhất 1 lần/tuần sẽ giúp giảm 16% nguy cơ bệnh tim mạch, ăn cá 2-4 lần/tuần giúp giảm thêm 6% nguy cơ đột quỵ so với ăn < 1 lần/tuần. Vì vậy, đối với mọi người lớn nói chung, Hiệp hội Tim Hoa Kỳ khuyến cáo ăn cá, đặc biệt là các loại cá béo, ít nhất 2 lần mỗi tuần. Trường hợp không thể bổ sung đủ được omega-3 qua cá, có thể uống bổ sung thêm viên dầu cá. Dầu cá được coi là an toàn với hầu hết mọi người với liều bổ sung khoảng 2-3 g/ngày.
Đối với người đã có bệnh mạch vành, liều lượng dầu cá khuyến cáo sử dụng tương đương với khoảng 1 g (EPA + DHA)/ngày.
Đối với người đã có tăng triglycerid máu, liều lượng dầu cá khuyến cáo sử dụng tương đương với khoảng 2-4 g (EPA + DHA)/ngày để giúp hạ 20-40% triglycerid.
Tác dụng phụ:
Trong các thử nghiệm lâm sàng nhỏ, viên dầu cá lên đến 12 g/ngày (chứa 6 g/ngày acid béo omega-3) đã được sử dụng trong hơn 2 năm mà không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo rằng không nên dùng phối hợp EPA + DHA quá 3 g/ngày (liều cao hơn chỉ khuyến cáo dùng khi có chỉ định của bác sĩ lâm sàng).
Tác dụng phụ thường gặp nhất của dầu cá là dư vị cá sau uống và rối loạn tiêu hóa, đặc biệt là ở liều cao, bao gồm buồn nôn, ợ hơi, nôn, chướng bụng, tiêu chảy và táo bón.
Acid béo omega-3 có hoạt tính chống huyết khối nên cần thận trọng khi dùng dầu cá cho bệnh nhân bị rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc các thuốc ảnh hưởng đến quá trình đông máu. Nguy cơ chảy máu chỉ gặp khi dùng liều rất cao (> 7 g acid béo omega-3/ngày).
Về vấn đề lo ngại có thể nhiễm độc bởi các chất gây ô nhiễm môi trường tích tụ trong cá, đặc biệt là thủy ngân thì các viên dầu cá không chứa thủy ngân vì chất này tan trong nước và gắn với protein nên thủy ngân nếu có thì chỉ hiện diện trong thịt cá chứ không có trong mỡ cá.
ThS.BSCK2. Nguyễn Chí Thành
Tài liệu tham khảo:
- Quyết định số 5333/QĐ-BYT ngày 23/12/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Dự phòng tiên phát bệnh tim mạch”.
- Hồ Huỳnh Quang Trí (2010), “Acid béo Omega-3 và bệnh tim mạch”, Tạp chí Tim mạch học Thành phố Hồ Chí Minh, bản điện tử đăng ngày 26/04/2010.
- Guo, ‘Chapter 5 – LIPIDS AND LIPID RELATED FUNCTIONAL FOODS’, in Functional Foods, M. Guo, Ed., in Woodhead Publishing Series in Food Science, Technology and Nutrition, Woodhead Publishing, 2009, pp. 161–196. doi: 10.1533/9781845696078.161.
- Fish oil: Physiologic effects and administration- UpToDate. Accessed: July 21, 2024.
- Micromedex – Chuyên luận Omega-3 Fatty Acids. Truy cập ngày 25/7/2024.
- Thông tin hướng dẫn sử dụng do Bộ Y tế phê duyệt của viên dầu cá Omesoft (180mg EPA, 20mg DHA). https://cdn.drugbank.vn/1557117313932_131(8).pdf