Tinh dầu hoa anh thảo – Vai trò với sức khoẻ nội tiết và làn da

Tinh dầu hoa anh thảo (thực chất là dầu hoa anh thảo) thường được biết đến là một chất bổ sung với mục đích làm đẹp cho phụ nữ. Thế nhưng, bên cạnh đó thì dầu hoa anh thảo còn có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe nội tiết và làn da. Vậy, lợi ích của dầu hoa anh thảo đến từ đâu, đã được chứng minh bằng thử nghiệm lâm sàng chưa, và khi sử dụng thì cần lưu ý gì để mang lại hiệu quả cho sức khỏe đồng thời giảm thiểu các tác dụng không mong muốn tiềm ẩn?

Dầu hoa anh thảo là gì?

Hoa anh thảo (tên khoa học là: Oenothera biennis, Onagraceae) là một loại cây có nguồn gốc từ vùng Bắc và Nam Mỹ. Cây có hoa màu vàng tươi, nở vào buổi tối nên còn có tên là “hoa anh thảo buổi tối” (Evening primrose).

Dầu hoa anh thảo buổi tối (Evening primrose oil) là chất được ép lạnh từ hạt của hoa anh thảo, có chứa nhiều acid béo thiết yếu-là loại acid béo cần thiết cho sức khỏe nhưng cơ thể không tự tạo ra được.

Lợi ích của dầu hoa anh thảo:

Lợi ích sức khỏe từ dầu hoa anh thảo có liên quan đến hàm lượng cao các acid béo không bão hòa omega-6, bao gồm acid linoleic (LA) và acid gamma-linolenic (GLA), là tiền chất của các chất chống viêm trong cơ thể. Ngoài ra, dầu hoa anh thảo còn chứa các chất khác cũng có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm, là flavonoid và phenolic.

Lợi ích của dầu hoa anh thảo đối với sức khoẻ nội tiết và làn da đã được chứng minh thông qua các nghiên cứu lâm sàng, cụ thể như sau:

Bốc hỏa thời kỳ mãn kinh: Đây là tình trạng giãn mạch ngoại vi, tăng lưu lượng máu đến da kèm theo đỏ bừng, đổ mồ hôi (đặc biệt là ở ngực, mặt và cổ) và ớn lạnh. Thực tế mỗi đợt bốc hỏa thường kéo dài khoảng 1–5 phút và đôi khi là 1 giờ nhưng lại dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống. Sử dụng dầu hoa anh thảo là một trong những cách điều trị không sử dụng nội tiết tố đối với tình trạng này. Trong một thử nghiệm lâm sàng, 56 phụ nữ mãn kinh đã sử dụng viên nang chứa dầu hoa anh thảo mỗi ngày trong 6 tuần và các triệu chứng bốc hỏa đã được cải thiện đáng kể.

Bệnh chàm dị ứng (atopic eczema): Đây là bệnh liên quan đến hệ thống miễn dịch, chủ yếu xảy ra ở những bệnh nhân có tiền sử gia đình và/hoặc cá nhân bị dị ứng. Một trong những nguyên do quan trọng nhất gây ra bệnh lý này là sự thiếu hụt hàng rào bảo vệ ở biểu bì da, làm gia tăng tính thấm của lớp sừng khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Đa số thử nghiệm lâm sàng cho thấy sự cải thiện tình trạng bệnh chàm dị ứng khi sử dụng viên nang uống dầu hoa anh thảo.

Mụn trứng cá: Đây là tình trạng rối loạn viêm da mãn tính do sản xuất quá mức bỡ nhờn. Biểu hiện của tình trạng trên bao gồm các tổn thương liên quan đến viêm (sẩn và mụn mủ) và không viêm, tập trung nhiều ở cổ, vai, mặt, ngực trên và lưng. Isotretionin thường được sử dụng trong điều trị mụn trứng cá nhưng lại gây tác dụng phụ ảnh hưởng lên tình trạng hydrat hóa và mất nước qua biểu bì của da. Kết quả của một nghiên cứu lâm sàng cho thấy trong quá trình điều trị mụn trứng cá bằng isotretinoin, việc bổ sung dầu hoa anh thảo giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng trên da do các tác dụng phụ gây ra bởi isotretinoin, cụ thể là làm tăng độ ẩm cho da. Độ ẩm bổ sung sẽ tạo ra lớp bảo vệ trên da, nhờ đó có thể giúp loại bỏ mụn trứng cá.

Đau ngực: Đây là tình trạng sinh lý thường gặp ở phụ nữ, chủ yếu xảy ra trước kỳ kinh nguyệt. Thiếu hụt GLA đã được xác định rõ trong chứng đau ngực và vì dầu hoa anh thảo là nguồn GLA dồi dào nên nó có thể có hiệu quả trong việc điều trị chứng đau ngực. Thật vậy, trong đa số thử nghiệm lâm sàng, bệnh nhân sử dụng viên nang uống chứa dầu hoa anh thảo đã cho thấy có sự cải thiện đáng kể tình trạng đau ngực nêu trên.

Lưu ý khi sử dụng dầu hoa anh thảo:

Vì có bản chất là acid béo nên viên uống dầu hoa anh thảo nên được sử dụng cùng với thức ăn sẽ làm tăng sự hấp thu. Liều lượng sử dụng tùy thuộc vào mục đích sử dụng và cần tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất của loại chế phẩm bổ sung cụ thể sử dụng.

Dầu hoa anh thảo thường được dung nạp tốt. Tuy nhiên, một số tác dụng không mong muốn có thể gặp phải gồm: dị ứng, rối loạn đường tiêu hóa (đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy, buồn nôn, nôn).

Dầu hoa anh thảo có tương tác, ảnh hưởng đến hiệu quả của các thuốc chống co giật và thuốc chống huyết khối nên nếu đang dùng các nhóm thuốc trên thì không được tự ý sử dụng dầu hoa anh thảo mà chưa có sự tư vấn, chỉ định của nhân viên y tế.

Tránh sử dụng dùng dầu hoa anh thảo nếu đã biết dị ứng với hoa anh thảo hoặc khi có bệnh lý động kinh vì có thể làm tăng nguy cơ co giật. Ngoài ra, vì hiện chưa có bằng chứng khoa học chứng minh tính an toàn của dầu hoa anh thảo ở phụ nữ có thai và cho con bú nên không cũng sử dụng cho đối tượng này.

ThS.BSCK2. Nguyễn Chí Thành

Tài liệu tham khảo:

  1. Timoszuk, Magdalena & Bielawska, Katarzyna & Skrzydlewska, Elzbieta. (2018). Evening Primrose (Oenothera biennis) Biological Activity Dependent on Chemical Composition. Antioxidants. 7. 108. 10.3390/antiox7080108.
  2. Atherton, M. (2021/04/22/, 2021 Apr 22). Evening primrose oil benefits: Should you take evening primrose oil supplements? Express (Online) Retrieved from https://www.proquest.com/newspapers/evening-primrose-oil-benefits-should-you-take/docview/2519014406/se-2.
  3. Sharifi M, Nourani N, Sanaie S, Hamedeyazdan S. The effect of Oenothera biennis (Evening primrose) oil on inflammatory diseases: a systematic review of clinical trials. BMC Complement Med Ther. 2024 Feb 15;24(1):89. doi: 10.1186/s12906-024-04378-5. PMID: 38360611; PMCID: PMC10867995.
  4. Micromedex – Chuyên luận Evening primrose oil. Truy cập ngày 20/7/2024.

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm nhiều tin tức