Trầm cảm sau sinh và những điều cần biết

Trầm cảm là một trạng thái bệnh lý của cảm xúc, biểu hiện bằng quá trình ức chế toàn bộ hoạt động tâm thần. Trầm cảm sau sinh là tình trạng người mẹ mắc phải chứng trầm cảm ngay sau khi sinh con. Nhìn chung, hầu hết các báo cáo đều cho thấy khoảng 10-20% bà mẹ mới sinh sẽ bị trầm cảm sau sinh. Đây là một tình trạng bệnh lý chứ không phải là dấu hiệu cho thấy người mẹ không yêu con mình. Trầm cảm nặng sau sinh không được điều trị có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực cả ngắn hạn và dài hạn cho cả mẹ và trẻ sơ sinh. Vì vậy, việc nắm được một số kiến thức cơ bản liên quan đến trầm cảm sau sinh là thật sự cần thiết.

Nguyên nhân:

Cơ chế bệnh sinh của trầm cảm sau sinh chưa được biết rõ. Các nghiên cứu cho thấy các yếu tố có thể liên quan đến trầm cảm sau sinh bao gồm: tính nhạy cảm di truyền, sự thay đổi nội tiết tố, sự bất thường về mức độ/hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh, các vấn đề về tâm lý và xã hội, các vấn đề căng thẳng trong cuộc sống, …

Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ xảy ra trầm cảm sau sinh ở phụ nữ. Tổng hợp từ các nghiên cứu, có thể phân nhóm các yếu tố nguy cơ như sau:

  • Yếu tố thuộc về cá nhân người mẹ: sức khỏe thể chất kém; tuổi trẻ; trình độ học vấn thấp; thu nhập thấp/thất nghiệp; lo âu, tress trong quá trình mang thai; tiền sử trầm cảm.
  • Yếu tố liên quan đến gia đình: tình trạng bạo lực gia đình, bao gồm cả bạo lực về tinh thần, thể xác, tình dục; thiếu sự hỗ trợ từ gia đình; tâm lý yêu thích con trai; nghèo mối quan hệ hôn nhân gia đình.
  • Yếu tố văn hóa, xã hội: thiếu sự hỗ trợ từ xã hội; tình trạng trọng nam khinh nữ, bất bình đẳng giới; sự kỳ thị và định kiến xã hội đối với người bị trầm cảm.
  • Yếu tố tiền sử sinh sản: tiền sử phá thai, thai chết lưu, sảy thai, có thai ngoài ý muốn, số con nhiều.
  • Yếu tố sau sinh: chế độ nghỉ ngơi, kiêng khem sau sinh; giới tính của trẻ (bao gồm sự ưa thích con trai được coi là một vấn đề phổ biến tại Việt Nam) tạo nên áp lực nặng nề và ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của người mẹ; thiếu sự hỗ trợ của gia đình, xã hội sau sinh; sinh non; thiếu kiến thức về chăm sóc trẻ.

 

Dấu hiệu:

Thật khó để biết ai đó có bị trầm cảm sau sinh hay không vì một số dấu hiệu, triệu chứng cũng có thể là do căng thẳng khi chăm sóc trẻ sơ sinh. Sau khi sinh con, nhiều bà mẹ mắc hội chứng trầm cảm nhẹ sau sinh được gọi là “buồn chán sau sinh” (“postpartum blues” hoặc “baby blues”). Trong vòng 2-3 ngày sau khi sinh, những người mẹ này thường có tâm trạng thất thường, cáu kỉnh hoặc lo lắng, khó tập trung, khó ngủ, hay khóc. Những triệu chứng này không nghiêm trọng và thường biến mất trong vòng 2 tuần. Tuy nhiên, ở những người bị trầm cảm sau sinh thì các triệu chứng sẽ nghiêm trọng và kéo dài hơn, bao gồm một/nhiều các dấu hiệu trong các nhóm dấu hiệu sau:

Nhóm các dấu hiệu chính:

  • Khí sắc trầm: khí sắc thay đổi ít từ ngày này sang ngày khác và thường không tương xứng với hoàn cảnh, được duy trì trong ít nhất 2 tuần
  • Mất mọi quan tâm thích thú trong các hoạt động
  • Giảm năng lượng và tăng sự mệt mỏi

 

Nhóm các dấu hiệu phổ biến:

  • Giảm sự tập trung chú ý
  • Giảm tính tự trọng và lòng tự tin, khó khăn trong việc quyết định
  • Ý tưởng bị tội và không xứng đáng
  • Nhìn vào tương lai ảm đạm và bi quan
  • Ý tưởng và hành vi tự hủy hoại hoặc tự sát
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Thay đổi cảm giác ngon miệng (tăng hoặc giảm) với sự thay đổi trọng lượng cơ thể tương ứng.

 

Nhóm các dấu hiệu cơ thể:

  • Mất những quan tâm thích thú trong những hoạt động thường ngày gây thích thú
  • Mất phản ứng cảm xúc với những sự kiện và môi trường xung quanh thường làm vui thích
  • Buổi sáng thức giấc sớm 2 giờ trước thường ngày
  • Trạng thái trầm cảm nặng hơn vào buổi sáng
  • Có bằng chứng khách quan về sự chậm chạp tâm thần vận động hoặc kích động (được người khác nhận thấy hoặc kể lại)
  • Giảm những cảm giác ngon miệng
  • Sụt cân (5% hoặc nhiều hơn trọng lượng cơ thể so với tháng trước)
  • Mất hoặc giảm hưng phấn tình dục rõ rệt

 

Nhóm các dấu hiệu về loạn thần: hoang tưởng, ảo giác (có thể có hoặc không xuất hiện).

Điều trị:

Nguyên tắc trong điều trị trầm cảm nói chung và trầm cảm sau sinh nói riêng là điều trị nguyên nhân dẫn đến trầm cảm (nếu có), làm giảm và mất hoàn toàn các triệu chứng, phòng ngừa tái phát và tái diễn trầm cảm. Đối với điều trị trầm cảm sau sinh thì nhìn chung có 2 phương pháp điều trị chính là: thuốc và liệu pháp tâm lý. Lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và tình trạng người mẹ có bị trầm cảm trước khi mang thai hay không, trong đó ưu tiên lựa chọn điều trị không dùng thuốc nếu phù hợp.

  • Tâm lý trị liệu (tư vấn): Đối với phương pháp này, người bệnh sẽ được nói chuyện với bác sĩ tâm lý về cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của bản thân. Có nhiều loại trị liệu tâm lý khác nhau, như: liệu pháp nhận thức hành vi, liệu pháp gia đình, liệu pháp cá nhân, liệu pháp thư giãn luyện tập, … Mỗi trường hợp có thể kết hợp can thiệp nhiều liệu pháp để đạt hiệu quả tối ưu.
  • Thuốc: Tùy trường hợp bác sĩ sẽ quyết định có dùng thuốc hay không, nếu cần dùng thuốc sẽ dùng đơn trị liệu hoặc phối hợp thuốc thuộc các nhóm sau: thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc giải lo âu, gây ngủ, thuốc tăng cường tuần hoàn não và dinh dưỡng tế bào thần kinh, vitamin và yếu tố vi lượng. Đặc biệt, trong trường hợp người mẹ đang cho con bú thì bác sĩ sẽ cân nhắc, lựa chọn loại thuốc có nguy cơ tối thiểu cho em bé.

 

Cách phòng ngừa:

Phòng bệnh tuyệt đối: Chưa có biện pháp vì nguyên nhân trầm cảm rất phức tạp, phối hợp lẫn nhau.

Phòng bệnh tương đối:

  • Nếu người mẹ đã từng bị trầm cảm trước đây (bao gồm cả liên quan và không liên quan đến trầm cảm sau sinh) thì khả năng cao sẽ bị tái phát trầm cảm sau sinh. Trong trường hợp này, việc trao đổi với bác sĩ trị liệu là rất cần thiết để cùng xây dựng kế hoạch dự phòng trầm cảm sau sinh, bao gồm cả việc dùng thuốc dự phòng nếu cần.
  • Hãy tìm đến sự tư vấn từ bác sĩ về các biện pháp tâm lý trị liệu để ngăn ngừa trầm cảm chu sinh ở những phụ nữ có nguy cơ cao.
  • Hoạt động thể chất với cường độ vừa phải khi mang thai; tập thể dục giai đoạn sau khi sinh giúp giảm nguy cơ mắc các triệu chứng trầm cảm sau sinh.
  • Tham gia các khóa học tiền sản, đặc biệt là đối với các bà mẹ sinh con đầu lòng để được cung cấp các kiến thức liên quan đến bà mẹ và trẻ sơ sinh, những điều cần biết cho bà mẹ mới sinh con, …
  • Dành đủ thời gian để bản thân được nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng hợp lý, ngủ đủ giấc và tìm những cách lành mạnh để đối phó với căng thẳng.
  • Không quá áp lực với việc chăm con. Sẵn sàng nhờ và nhận sự giúp đỡ từ người khác, đặc biệt trong giai đoạn mang thai và sau sinh.

ThS.BSCK2. Nguyễn Chí Thành

Tài liệu tham khảo:

  1. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số rối loạn tâm thần thường gặp (Quyết định số 2058/QĐ-BYT ngày 14/5/2020 của Bộ Y tế).
  2. Postpartum depression: Adverse consequences in mothers and their children – UpToDate. Accessed: May 14, 2024.
  3. Mild to moderate postpartum unipolar major depression: Treatment – UpToDate. Accessed: May 14, 2024.
  4. Postpartum unipolar major depression: Epidemiology, clinical features, assessment, and diagnosis – UpToDate. Accessed: May 15, 2024.
  5. Patient education: Depression during and after pregnancy (The Basics) – UpToDate. Accessed: May 14, 2024.
  6. Postnatal depression – BMJ Best Practice. Accessed: May 15, 2024.

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm nhiều tin tức