Acid béo trong trong thức ăn được phân chia thành 2 nhóm chính: acid béo no, bão hòa (các nguyên tử carbon nối với nhau bằng liên kết đơn) và acid béo không no, không bão hòa (các nguyên tử carbon nối với nhau có ít nhất một liên kết đôi). Acid béo omega-3 thuộc nhóm acid béo không bão hòa, có liên kết đôi đầu tiên ở nguyên tử carbon số 3, gồm: DHA (docosahexaenoic acid) và EPA (eicosapentaenoic acid) hiện diện trong cá, DPA (docosapentaenoic acid) hiện diện trong một số thực phẩm có nguồn gốc động vật (trứng, thịt gà, thịt bò) và ALA (alpha-linolenic acid) hiện diện trong các loại dầu thực vật.
Như vậy, DHA là một loại acid béo không no thuộc nhóm omega-3. Đây là một loại acid béo không no “cần thiết” vì trong cơ thể, DHA thường được tạo thành rất không đầy đủ nên cần phải được cung cấp từ nguồn thực phẩm bên ngoài. Đây là chất rất cần thiết cho hệ thần kinh, não bộ, thị giác của cơ thể người. Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai thì DHA trong thai kỳ có vai trò vô cùng quan trọng đối với cả bà mẹ bầu và thai nhi.
Vai trò của DHA:
Vì là thành phần chủ yếu, quan trọng tham gia hình thành tế bào não và tế bào thị giác nên DHA có vai trò đặc biệt đối với việc giúp trẻ trí thông minh và thị giác tốt. Đối với tế bào não, DHA là thành phần chủ yếu của các acid béo tham gia cấu tạo não; cần thiết cho quá trình Myelin hóa tế bào thần kinh; tác động đến màng xinap-bộ phận điều khiển sự phóng thích và tiếp nhận chất dẫn truyền thần kinh, giúp sự truyền tín hiệu giữa các tế bào não hiệu quả hơn. Đối với tế bào thị giác, DHA là thành phần quan trọng cấu tạo tế bào võng mạc mắt; thành phần chính trong các tế bào tiếp nhận hình ảnh.
Đối với mẹ bầu và thai nhi, việc thiếu hụt DHA có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra một số tình trạng như:
- Ở phụ nữ có thai: Kết quả từ một số nghiên cứu cho thấy việc thiếu hụt DHA có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra các biến chứng thai kỳ như tiền sản giật, sinh non, thai nhi chậm phát triển, trầm cảm sau sinh.
- Ở thai nhi và trẻ sơ sinh: Việc hấp thụ không đủ lượng DHA có thể ảnh hưởng đến thị lực của trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non (các thử nghiệm lâm sàng cho thấy việc bổ sung DHA có mang lại lợi ích về thị lực và có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh võng mạc ở trẻ sinh non). Đối với sự phát triển của não bộ, DHA được tích lũy trong hệ thần kinh trung ương thai nhi trước khi sinh và đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn phát triển ban đầu của não bộ của trẻ sơ sinh, một nghiên cứu ở trẻ sơ sinh dưới 18 tháng tuổi cho thấy việc trẻ sơ sinh bị thiếu hụt DHA có nguy cơ cao hơn về sự kém phát triển ngôn ngữ (bao gồm cả việc tiếp thu, hiểu và biểu đạt).
Cần bổ sung DHA như thế nào để tốt cho sức khoẻ của mẹ và bé?
Thai nhi và nhau thai hiếm khi tự tổng hợp được DHA nên lượng DHA hấp thụ từ mẹ và chức năng vận chuyển nhau thai rất quan trọng đối với việc hấp thụ DHA của thai nhi. Tuy nhiên, chế độ ăn thực tế của phụ nữ mang thai phần lớn lại thiếu hụt DHA, không thể đáp ứng các khuyến nghị hiện tại về nhu cầu DHA nếu không được tăng cường bổ sung từ nguồn thực phẩm bên ngoài mỗi ngày.
Để tốt cho sức khỏe của mẹ và bé, DHA nên được bổ sung thông qua các loại thực phẩm tự nhiên là quan trọng và ưu tiên. Các loại thực phẩm giàu DHA thường gặp:
- Hải sản (vẹm, tôm, cua, mực, hàu) và cá: là nguồn cung cấp DHA chính từ chế độ ăn uống, đặc biệt là các loại cá béo sống ở vùng nước lạnh như cá hồi, cá trích, cá ngừ, cá thu, cá cơm, cá mòi, trứng cá tầm. Những loại cá béo này là nguồn cung cấp DHA dồi dào nhất trong chế độ ăn uống, với mỗi khẩu phần cá 75 g cung cấp từ 750-1500 mg EPA+DHA.
- Sữa mẹ: cũng có chứa DHA tự nhiên và nồng độ DHA trong sữa mẹ tăng lên khi lượng EPA+DHA hấp thụ của người mẹ tăng.
- Lòng đỏ trứng gà
- Các loại hạt: hạt óc chó, hạt hạnh nhân, đậu phộng
Bên cạnh đó, việc bổ sung DHA thông qua chế phẩm dinh dưỡng, viên uống bổ sung nên được cân nhắc khi xem xét đến các yếu tố như: phương pháp chế biến thực phẩm (DHA là acid béo không no dễ bị oxy hóa, đặc biệt khi chế biến bằng phương pháp chiên); mùi vị tanh của hải sản, cá (đặc biệt lưu ý ở phụ nữ có thai với tình trạng thai nghén nặng hoặc ở người không thích mùi vị hải sản, cá); tình trạng khó ăn ở trẻ em, …
Nhu cầu DHA đối với mẹ bầu
ISSFAL (Hiệp hội quốc tế về nghiên cứu axit béo và chất béo) khuyến nghị nhu cầu DHA đối với phụ nữ có thai hoặc cho con bú ít nhất là 200 mg/ngày.
ThS.BSCK2. Nguyễn Chí Thành
Tài liệu tham khảo:
- Hướng dẫn quốc gia về dinh dưỡng cho Phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú (Quyết định số 776/QĐ-BYT ngày 8/3/2017 của Bộ Y tế).
- Hồ Huỳnh Quang Trí (2010), “Axít béo Omega-3 và bệnh tim mạch”, Tạp chí Tim mạch học Thành phố Hồ Chí Minh, bản điện tử đăng ngày 26/04/2010.
- Arvizu M et al. Fat intake during pregnancy and risk of preeclampsia: a prospective cohort study in Denmark. Eur J Clin Nutr. 2019 Jul;73(7):1040-1048. doi: 10.1038/s41430-018-0290-z.
- Jiang Y et al. DHA supplementation and pregnancy complications. J Transl Med. 2023 Jun 17;21(1):394. doi: 10.1186/s12967-023-04239-8. PMID: 37330569; PMCID: PMC10276458.
- Wierzejska R et al. Dietary intake of DHA during pregnancy: a significant gap between the actual intake and current nutritional recommendations. Rocz Panstw Zakl Hig. 2018;69(4):381-386. doi: 10.32394/rpzh.2018.0044. PMID: 30525329.
- Mulder KA et al. Fetal DHA inadequacy and the impact on child neurodevelopment: a follow-up of a randomised trial of maternal DHA supplementation in pregnancy. British Journal of Nutrition. 2018;119(3):271-279. doi:10.1017/S0007114517003531.
- Mulder KA et al. Omega-3 fatty acid deficiency in infants before birth identified using a randomized trial of maternal DHA supplementation in pregnancy. PLoS One. 2014 Jan 10;9(1):e83764. doi: 10.1371/journal.pone.0083764. PMID: 24427279; PMCID: PMC3888379.
- Richard C, Monk JM. Docosahexaenoic acid. Adv Nutr. 2024 Jan;15(1):100161. doi: 10.1016/j.advnut.2023.100161. Epub 2023 Dec 2. PMID: 38048908; PMCID: PMC10776907.
- Sibylle Kranz et al. Food Sources of EPA and DHA in the Diets of American Children, NHANES 2003-2010, Sibylle Kranz, et al., BAOJ Nutrition 2015.
- Poh Yee Choo et al. Cooking methods affect total fatty acid composition and retention of DHA and EPA in selected fish fillets. ScienceAsia 44(2):92. January 201844(2):92. DOI:10.2306/scienceasia1513-1874.2018.44.092.
- Enteral long-chain polyunsaturated fatty acids (LCPUFA) for preterm and term infants – UpToDate. Accessed: July 14, 2024.
- Fish consumption and marine omega-3 fatty acid supplementation in pregnancy – UpToDate. Accessed: July 14, 2024.
- https://www.issfal.org/assets/globalrecommendationssummary19nov2014landscape_-3-.pdf